Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, di tích Từ đường họ Lâm và con cháu dòng họ đã có những đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của địa phương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1946, Từ đường đã được chính quyền chọn làm địa điểm mở lớp dạy học cho quần chúng nhân dân.
Vào cuối năm 1946, thực dân Pháp chính thức quay trở lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, nhiều con em trong dòng họ Lâm cũng đã hăng hái tham gia phong trào tòng quân giết giặc bảo vệ quê hương đất nước. Từ đường họ Lâm trong thời gian này là nơi luyện tập của lực lương dân quân du kích, cho đến đầu năm 1950 thì trở thành địa điểm diễn ra các cuộc họp bí mật. Nhờ có sự giúp đỡ, che giấu, bảo vệ của nhân dân nên những lần hội họp diễn ra tại di tích đều an toàn và bí mật.
Từ đường họ Lâm sau được chính quyền chọn lựa làm cơ sở y tế tại địa phương có nhiệm vụ cứu thương và khám chữa bệnh cho các thương bệnh binh. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Từ đường là địa điểm để Ty Lương thực sử dụng làm kho tập kết lương thực và vũ khí chi viện cho chiến trường niềm Nam.
Tổng thành tích qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, con cháu dòng họ Lâm đã có 1463 người lên đường nhập ngũ, trong đó có 180 liệt sĩ, 136 thương bệnh binh, 5 gia đình có 2 con là liệt sĩ, 230 sĩ quan, 3 người cấp tướng, 186 cấp tá và nhiều người được Nhà nước tặng thưởng Huân huy chương cao quý.